Việc cần sau Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội: Nỗ lực thu hẹp khoảng trống

Cập nhật: 21/12/2022 08:50

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra vào cuối năm 2022 với trọng tâm là công tác lập pháp đã thành công. Đó là điểm nhấn về nỗ lực vượt bậc của các cơ quan hành pháp và lập pháp trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với một khối lượng đồ sộ công việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đóng vai trò then chốt và xuyên suốt trong các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước nhiệm kỳ 2022-2026. Trước đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” họp phiên thứ 4 bàn việc tiếp tục hoàn thiện Đề án này. Như vậy, tín hiệu tích cực đã rõ, nhưng vẫn còn đó một khoảng trống giữa thể chế và thực thi, bởi thực tế vẫn đang thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng và ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức. Hàng loạt cán bộ cấp cao ở Trung ương và UBND các tỉnh, các huyện bị xử lý hình sự thời gian gần đây cho thấy khoảng trống này quá lớn.

Ảnh minh họa.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ. Trong đó, cốt yếu là yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội Đảng yêu cầu cả về hình thức, nội dung và chất lượng hệ thống pháp luật phải bảo đảm. Hình thức thể hiện các văn bản phải đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật, bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và tuổi thọ tương đối lâu dài. Tinh thần cơ bản là phải đạt được mục tiêu thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV được tổ chức. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định Kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu năm 2022 để tập trung xem xét một số dự án luật nằm trong chương trình này. Việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV là nhiệm vụ chính trị trọng tâm không chỉ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này, mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Đáng kể là các dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Khoảng trống trên thực tế cần được xử lý

Từ lâu và cho đến hiện nay, vẫn có tình trạng pháp luật được ban hành nhiều và từng bước được hoàn thiện, nhưng ít đi vào cuộc sống, dẫn đến việc không biết các quy định pháp luật liên quan đến mình và vi phạm pháp luật còn khá phổ biến trên nhiều lĩnh vực. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật của nhiều cơ quan, đơn vị (VCCI, các tỉnh, quận) đều ghi nhận tình trạng này, dù các cơ quan, tổ chức đã nỗ lực thực hiện việc đưa Luật này đến hầu khắp dân cư và cộng đồng doanh nghiệp.

Vào dịp Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, các cơ quan truyền thông đã có nhiều bài ghi nhận khoảng trống nói trên. Báo Tuổi trẻ ngày 27/7/2022 đăng bài: “Kỳ lạ phiên tòa không bị cáo, không người làm chứng, không Luật sư, Tòa vẫn xử”. Bài báo mô tả chuyện phi lý: “Ngày mở phiên tòa, ngoài Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và Kiểm sát viên thì không ai có mặt tại Tòa. Cụ thể, phiên tòa vắng mặt 02 bị cáo là Tuấn và Quang, người đại diện hợp pháp của 02 bị cáo, 02 Luật sư bào chữa cho các bị cáo, 04 bị hại, 03 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và người làm chứng cũng vắng mặt. Sau đó, bị cáo Quang đã kháng cáo. Ngày 28/3/2022, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh đã xét xử phúc thẩm và tuyên hủy một phần bản án sơ thẩm phần liên quan đến bị cáo Quang do vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Còn bị cáo Tuấn tại thời điểm xét xử đã thành niên và đã chấp hành xong hình phạt tù, không có kháng cáo, kháng nghị nên giữ nguyên”.

Vnexpress đăng bài: Hàng loạt lãnh đạo Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát tỉnh An Giang bị kỷ luật. Theo nội dung bài báo, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hàng loạt lãnh đạo Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Biên phòng, Cục Quản lý thị trường, Cục Hải quan tỉnh An Giang do có vi phạm. Báo cáo thẩm tra bước đầu của Ủy ban Tư pháp Quốc hội về giải quyết án hành chính cho biết, năm 2022, số lượng các vụ án hành chính đã thụ lý 11.433 vụ (tăng 941 vụ so với cùng kỳ năm 2021); đã giải quyết đạt 49% (tăng 04% so với cùng kỳ năm 2021). Báo cáo của Ủy ban Tư pháp đánh giá các Tòa án đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết các vụ án hành chính, trong đó chú trọng thu thập tài liệu, chứng cứ và tổ chức đối thoại giữa các bên. Các Tòa án đã ban hành 138 quyết định buộc thi hành án (tăng 42 quyết định so với cùng kỳ năm trước). Theo Ủy ban Tư pháp, đây là cố gắng của Tòa án cần được ghi nhận. Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh tỉ lệ giải quyết vụ án hành chính mới đạt 49%, chưa đạt chỉ tiêu do Quốc hội giao (60% trở lên). Tỉ lệ án bị hủy do nguyên nhân chủ quan là 3,08%, bị sửa do nguyên nhân chủ quan là 2,77%, chưa đạt yêu cầu của Quốc hội (không vượt quá 1,5%). Về thi hành án hành chính, báo cáo của Bộ Tư pháp cũng cho biết, trong năm 2022 đã tiếp nhận 873 bản án. Các cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền thi hành xong 287/873 bản án; còn lại đang tiếp tục thi hành, chủ yếu là các bản án, quyết định phát sinh trong năm 2021 và năm 2022. Bộ Tư pháp đánh giá số bản án hành chính tăng mạnh trong 02 năm gần đây, nhưng hiệu quả thi hành án hành chính chưa cao, nhất là việc chấp hành đôn đốc, kiểm tra, xử lý trách nhiệm, giải quyết kiến nghị về thi hành án hành chính. Bộ này cũng lý giải, các vụ kiện hành chính phần lớn có nội dung phức tạp, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai và khó tổ chức thi hành; quy định pháp luật về tố tụng hành chính và thi hành án hành chính chưa cụ thể dẫn đến cách hiểu khác nhau.

Báo Thanh Niên ngày 04/11/2022 đăng bài: Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật hàng loạt cán bộ, kèm theo tít dẫn kỷ luật loạt tướng, tá.

Báo Tuổi trẻ ngày 19/11/2022 đăng bài: Con số biết nói về chống tham nhũng, với dòng sapo in đậm: “Tuy quyết liệt đấu tranh, xử lý nhưng tham nhũng vẫn rất tinh vi, phức tạp. Sự nguy hại của nó rất mạnh, làm tha hóa cả đội ngũ cán bộ. Điều quan trọng phải làm sao cho cán bộ phải không thể, không dám, không muốn tham nhũng…”.

Báo cáo Quốc hội, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, tình trạng UBND, Chủ tịch UBND không đối thoại, không dự tòa hành chính, chậm cung cấp tài liệu diễn ra phổ biến, gây khó khăn cho tòa và bức xúc cho đương sự. Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang Trần Văn Tuấn dẫn lại báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao cho biết, “tình trạng UBND, Chủ tịch UBND, người đại diện không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, chậm cung cấp chứng cứ, tài liệu theo yêu cầu của Tòa án là rất phổ biến và kéo dài nhiều năm, gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án hành chính, gây bức xúc cho đương sự”. Ông Tuấn đề xuất sửa đổi Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Tố tụng hành chính để tăng hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và án hành chính.

Theo ông Tuấn, vì người dân không đồng tình với các quyết định này, nên khi đến cơ quan chính quyền đề nghị giải quyết thì họ đều rất bức xúc. “Không có trường hợp nào người ta đến gặp lãnh đạo tỉnh tiếp dân mà cảm thấy vui cả, cực kỳ bức xúc. Thậm chí, bức xúc tới mức không còn sự tôn trọng nữa”, ông Tuấn nói. Từ đó, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang cho rằng, khi người dân đến khiếu kiện mà không đạt được yêu cầu, mong muốn, nhiều người sẽ khởi kiện ra Tòa. “Chắc chắn lúc đó bức xúc lại được nhân lên khi mà Chủ tịch UBND hay người đại diện – mà nhiều người có thể đã từng tham gia quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo giờ đây trở thành người bị kiện, nhưng lại không tham gia phiên tòa”, ông Tuấn phân tích. Theo ông Tuấn, sau khi các quyết định của Tòa đã có hiệu lực, rồi quyết định buộc thi hành bản án mà nhiều trong số đó vẫn không được các UBND, Chủ tịch UBND thực hiện thì “cực kỳ đáng quan ngại”. “Tôi muốn nhấn mạnh điều này thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thờ ơ, vô cảm của Chủ tịch UBND nhiều nơi trong việc tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo nói chung và vụ án hành chính nói riêng”, đại biểu Tuấn nói, và đề nghị báo cáo của Tòa án nhân dân Tối cao, Chính phủ cần phải đánh giá nghiêm túc vấn đề này. “Nếu cần thiết phải chỉ rõ ra, tình trạng phổ biến ở nhiều nơi, diễn ra nhiều năm nhưng chủ yếu ở địa phương nào, cần phải chỉ rõ”, đại biểu này đề nghị. Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng cần đánh giá rõ hơn hiệu quả thi hành các bản án của Tòa án đã có hiệu lực trong các vụ án hành chính thế nào.

Giải trình sau đó, Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Phạm Quốc Hưng cho biết, trong năm qua, số lượng án hành chính tiếp tục có xu hướng gia tăng. Tuy nhiên, tỉ lệ xử lý án hành chính thấp với 02 lý do đã được Ủy ban Tư pháp nêu: “Gốc rễ là sự tham gia của người bị kiện (chính quyền), thứ hai là sự cung cấp tài liệu chứng cứ cho Tòa của UBND”. Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao cho hay, theo số liệu từ các địa phương khi xây dựng báo cáo phục vụ giám sát của Ủy ban Tư pháp về giải quyết án hành chính thì 57/63 Tòa án các tỉnh cho biết việc cung cấp chứng cứ của UBND cho Tòa khó khăn. Cạnh đó, 60/63 báo cáo đề cập việc người bị kiện, Chủ tịch UBND không tích cực tham gia quá trình giải quyết án hành chính của Tòa án. Đối với 138 quyết định buộc thi hành bản án hành chính, ông Hưng nói, đưa vào báo cáo chỉ để minh chứng cho ý thức chấp hành pháp luật của các UBND, Chủ tịch UBND có liên quan.

Báo chí cũng có nhiều bài đăng về chủ đề xử lý tham nhũng kiên quyết, triệt để. Ngày 17/8/2022, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 22 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo để kiểm điểm, đánh giá kết quả hoạt động 06 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2022.

Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; xử lý nghiêm minh nhiều cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, đương chức và nghỉ hưu, tiếp tục khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, được nhân dân, dư luận đồng tình, đánh giá cao.

Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp khẩn trương, quyết liệt trong kiểm tra, xử lý tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Trong 06 tháng đầu năm, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với 295 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái (tăng 117 đảng viên so với cùng kỳ năm trước); Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 27 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 20 trường hợp so với cùng kỳ năm trước).

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã thi hành kỷ luật 56 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, trong đó có 10 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng. Liên quan đến Công ty Việt Á đã khởi tố 25 vụ án, 95 bị can.

Ngành thanh tra, kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nổi cộm, dư luận bức xúc; đã kiến nghị xử lý, thu hồi 15.418 tỉ đồng và 134ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân (tăng 831 tập thể và 603 cá nhân so với cùng kỳ năm trước). Các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 414 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường quản lý, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan chống tham nhũng, tiêu cực; đã xử lý kỷ luật 54 trường hợp, chuyển xử lý hình sự 09 trường hợp; khởi tố 16 vụ án/17 bị can tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Tòa án đã đưa ra xét xử kịp thời một số vụ án trọng điểm, gồm: (1) Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai và một số cơ quan, đơn vị; (2) Vụ án ‘Vi phạm các quy định về quản lý đất đai’ xảy ra trong việc thực hiện Dự án sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự và Dự án biệt thự sông núi Vĩnh Trung tại khu vực núi Chín Khúc, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa; (3) Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh” xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh, thành phố khác, Cục Quản lý dược, Bộ Y tế và các cơ quan, đơn vị liên quan; (4) Vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Nhận hối lộ” xảy ra tại các đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; (5) Vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí’ xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất, xuất nhập khẩu Bình Dương (đang xét xử sơ thẩm).

Điểm nổi bật là các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương, nội chính, kiểm tra đã phối hợp chặt chẽ, khắc phục khó khăn, vướng mắc, tập trung điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án liên quan đến Công ty CP công nghệ Việt Á; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Tập đoàn FLC; Tập đoàn Tân Hoàng Minh; Công ty CP tiến bộ quốc tế (AIC) và các vụ, việc liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, tài sản Nhà nước xảy ra tại TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Dương…

Nỗ lực thu hẹp khoảng trống

Khoảng trống giữa thể chế đang được xây dựng và hoàn thiện một cách tích cực hiện nay với sự thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật trong cộng đồng và tại ngay trong đội ngũ cán bộ, công chức rõ ràng còn khá lớn như báo chí đã phản ánh. Rất cần nỗ lực thu hẹp khoảng trống này.

Bởi, nếu không thu hẹp được khoảng trống này thì hiện tượng vi phạm diễn ra phổ biến hiện nay, như được phản ánh qua các phương tiện truyền thông mấy năm qua, sẽ không giảm, mà có nguy cơ nghiêm trọng hơn. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực trước hết từ các cơ quan hành pháp và tư pháp – đó là cái trọng yếu và quyết định – sau đó đến sự nỗ lực về phía cộng đồng liên quan đến việc thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, cùng với các hoạt động trợ giúp pháp lý.

Theo đó, đội ngũ Luật sư, tư vấn viên pháp luật và trợ giúp viên pháp lý rất cần nỗ lực hoạt động và phải được đặt đúng vị thế trong hệ thống với những quy định pháp luật thực tiễn hơn, phù hợp hơn so với các quy định hiện hành. Bởi hiện tại, hơn 17.000 Luật sư hoạt động theo Luật Luật sư, đội ngũ trợ giúp viên pháp lý hoạt động theo Luật Trợ giúp pháp lý mà thực chất là danh nghĩa Nhà nước, còn số tư vấn viên pháp luật hoạt động theo Nghị định số 77/2008/NĐ-CP về tư vấn pháp luật vẫn đang bị hạn chế và chưa có vai trò thực sự. Điều cần làm là thay thế Nghị định số 77/2008/NĐ-CP bằng Luật Tư vấn pháp luật – tương tự Luật Trợ giúp pháp lý – để đội ngũ đông đảo này góp phần tích cực vào việc thu hẹp khoảng trống nói trên.

Ngay trong lĩnh vực tố tụng hành chính, dân sự, hình sự thì khoảng trống này cũng không nhỏ và không hề dễ dàng thu hẹp. Tác giả bài viết này đã có lần lên tiếng qua bài viết đăng trên Báo Pháp luật Việt Nam ngày 11/3/2022, với tiêu đề: Một vụ kiện hành chính bị kéo dài tại Hà Nội: Cụ ông 90 tuổi chờ phiên tòa đến bao giờ?

Hay trong tố tụng hình sự, mới đây, trả lời phỏng vấn tờ điện tử Dân Việt, Luật sư Đinh Văn Quế, nguyên Chánh tòa hình sự Tòa án nhân dân Tối cao, rút ra sau 40 năm tiếp xúc, chỉ đạo xét xử, phán quyết, bao nhiêu số phận con người trước vành móng ngựa để nói về oan sai tại Tòa, mà có vụ thẩm phán đã bị xử lý hình sự. Ông nêu, đơn cử vụ án liên quan đến ông Nguyễn Thanh Chấn bị xét xử oan sai, gây xôn xao dư luận một thời. Ngày 30/9/2014, Cơ quan điều tra Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với ông Phạm Tuấn Chiêm để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ông Phạm Tuấn Chiêm từng là Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao, ngồi ghế Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Nguyễn Thanh Chấn năm xưa. Có lẽ đây là lần đầu tiên, một Thẩm phán bị khởi tố về hành vi “thiếu trách nhiệm” kết án oan người vô tội. Xem xét vụ án này, tôi đã chỉ ra ông Chiêm không thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Ông Chiêm đã sử dụng các chứng cứ được thu thập trái quy định. Từ đó quy chụp, kết án oan sai đối với ông Nguyễn Thanh Chấn.

Việc cần làm để thu hẹp khoảng trống này còn rất lớn, cần sự nỗ lực của nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức hữu quan – kể cả cần nhiều tiếng nói từ các cơ quan truyền thông. Dĩ nhiên, phải theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao, nhưng nếu không có chương trình, kế hoạch hành động cụ thể của mỗi cơ quan riêng và chương trình tổng thể chung thì khó có thể khắc phục khoảng trống nêu trên trong giai đoạn nhiệm kỳ mà Nghị quyết Đại hội Đảng đã vạch ra.

Về phần riêng, sự nỗ lực của đội ngũ đông đảo các Luật gia, Luật sư hoạt động rộng khắp trong cả nước và trên nhiều lĩnh vực nếu nỗ lực, cộng với có chương trình thiết thực của cơ quan chủ quản, sẽ góp phần nhỏ thiết thực vào việc thu hẹp khoảng trống này.

Hy vọng, sau một thời hạn nhất định, với sự nỗ lực của cả hệ thống, với vai trò đầu tàu của các cơ quan hành pháp, tư pháp ở Trung ương và ở các tỉnh, huyện – dần dần việc tuân thủ pháp luật sẽ trở thành thường xuyên tại các cơ quan này, chấm dứt hay hạn chế tình trạng hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự như mấy năm gần đây. Cùng với sự nỗ lực thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đúng tầm và tạo điều kiện phù hợp để đội ngũ Luật gia, Luật sư trên cả nước tham gia nhiều hơn, thì khoảng trống này sẽ được thu hẹp thực sự.

theo Luật gia PHAN VĂN TÂN

Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia TP. Hà Nội  – Tạp chí Luật sư VN

https://lsvn.vn/viec-can-sau-ky-hop-thu-4-cua-quoc-hoi-no-luc-thu-hep-khoang-trong1671555768.html

Tin liên quan