Dù 3 lần Chính phủ có văn bản chỉ đạo nhưng dự án Hòa Lân vẫn chưa thể triển khai thực hiện |
Kết quả cần được công nhận
Tiếp tục thông tin về tranh chấp tại Dự án Khu dân cư Hòa Lân (KDC Hòa Lân, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương) từng được chủ đầu tư là Công ty TNHH SX TM Thiên Phú (Công ty Thiên Phú) thế chấp tại Ngân hàng Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh Chợ Lớn (Agribank Chợ Lớn). Khi khoản vay hóa nợ xấu, Công ty Thiên Phú đồng ý để ngân hàng phát mãi. Công ty Xây dựng A Đông Hải (Công ty Kim Oanh) đã trúng đấu giá dự án với số tiền gần 1.400 tỷ. Đáng nói, thay vì chấp hành nghĩa vụ bàn giao dự án, Công ty Thiên Phú lại đâm đơn khởi kiện Agribank Chợ Lớn và Tòa án nhân dân Quận 7. Hệ quả là cho tới nay, dù Công ty Kim Oanh thanh toán xong số tiền nhưng vẫn chưa được nhận bàn giao dự án.
Mới đây, ngày 3/7/2020, Văn phòng Chính phủ đã phát đi văn bản số 5386 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình về việc Công ty Kim Oanh có đơn gửi Thủ tướng phản ánh, kiến nghị liên quan đến việc thực hiện một số dự án của doanh nghiệp này tại Bình Dương. Chính phủ chuyển những phản ánh, kiến nghị của Công ty Kim Oanh đến UBND tỉnh Bình Dương kiểm tra, xem xét, giải quyết, trả lời doanh nghiệp; yêu cầu báo cáo kết quả lên Thủ tướng trước ngày 30/8/2020.
Trước đó, ngày 15/3/2019, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tư pháp báo cáo kết quả thanh tra vụ bán đấu giá. Ngày 29/3/2019, Bộ Tư pháp có văn bản báo cáo, khẳng định hàng loạt nội dung tố cáo của công dân với quá trình đấu giá là không có cơ sở để xem xét. Kết luận thanh tra cũng không xem xét tới việc hủy kết quả đấu giá.Sau thanh tra, kết quả đấu giá vẫn được công nhận.
Văn bản số 5386 truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình liên quan đến việc thực hiện một số dự án của Công ty Kim Oanh tại Bình Dương |
Thực tế từ ngày 1/8/2018 Thanh tra Bộ Tư pháp đã tiến hành thanh tra đối với Công ty CP Dịch vụ Đấu Giá Nam Sài Gòn trong việc tổ chức bán đấu giá tài sản dự án KDC Hòa Lân. Ngày 24/12/2018, Thanh tra Bộ Tư Pháp có kết luận số 62/KL-TTr ngày 24/12/2018 nêu rõ: “Qua Thanh tra nhận thấy quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản theo Hợp đồng số 10/2015/HĐĐG ngày 17/6/2015, Công ty Đấu giá về cơ bản đã thực hiện trình tự thủ tục theo quy định pháp luật về bán đấu giá như đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết thông báo bán đấu giá, tổ chức điều hành phiên đấu giá…”.
Như vậy cả Thanh tra Bộ Tư pháp và Văn phòng chính Phủ đều đưa ra chỉ đạo sớm giải quyết dứt điểm vụ việc theo hướng công nhận kết quả đấu giá, trả lại quyền sở hữu hợp pháp đối với dự án KDC Hòa Lân. Không hiểu lý do gì khi tiếp nhận đơn kiện của Công ty Thiên Phú TAND Quận 7 vẫn ra quyết định phong tỏa dự án khiến Công ty Kim Oanh không thể tiếp nhận và triển khai dự án.
Tư cách hợp pháp bị bác bỏ
Hiện, ông Bùi Thế Sơn – Giám đốc Công ty Thiên Phú đã bị Bộ Công an bắt giữ vì lừa đảo chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng của Kim Oanh trong quá trình chuyển giao dự án KDC Hòa Lân. Cùng với đó là hàng loạt thương vụ khuất tất mua bán vốn của Thiên Phú hòng “đổi chủ” công ty chỉ để lấy tư cách kiện tụng.
Cụ thể, trước khi bị bắt ông Sơn có bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Tuấn làm Phó Giám đốc Công ty Thiên Phú. Ngày 23/3/2020, ông Bùi Thế Sơn đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp cho bà Phạm Thị Hường (trú tại số 18B, đường Nguyễn Văn Tiết, phường Lái Thiêu, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) phần vốn góp 89,1 tỷ. Ông Phú (thành viên công ty) chuyển cho bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (con dâu bà Hường) phần vốn góp 900 triệu. Việc chuyển nhượng này được ông Sơn tiết lộ là bị ép buộc.
Sau đó, ông Tuấn gửi đơn tới TAND Quận 7 yêu cầu đưa 2 cổ đông mớ là bà Hường và bà Châu vào làm “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan”.
Mặt khác, hiện Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Công ty Thiên Phú đang ghi nhận ông Sơn là đại diện theo pháp luật. Pháp luật cũng không có quy định khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị tạm giam thì người đó đương nhiên mất tư cách đại diện theo pháp luật, và thành viên góp vốn còn lại sẽ trở thành người đại diện theo pháp luật duy nhất của doanh nghiệp.Đồng thời, Công ty Thiên Phú đã nộp hồ sơ thay đổi người đại diện theo pháp luật và thay đổi thành viên Công ty đến Sở KH&ĐT. Tuy nhiên cuối tháng 4/2020, Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở KH&ĐT Bình Dương) có văn bản gửi TAND Quận 7, khẳng định chưa thực hiện đăng ký thay đổi cho đến khi có ý kiến mới của Cơ quan điều tra Bộ Công an. Tức nghĩa, thương vụ mua phần vốn góp chưa hoàn thành, mẹ con bà Hường chưa là cổ đông mới của Thiên Phú, chưa có quyền đứng ra tranh tụng trong vụ án liên quan tới KDC Hòa Lân.
Như vậy, ông Sơn vẫn là đại diện Công ty Thiên Phú trước Tòa án, có quyền làm đơn đề nghị, nhân danh Công ty Thiên Phú, để rút yêu cầu khởi kiện.
Sau khi bị bắt giam, ông Bùi Thế Sơn đã có đơn gửi TAND Quận 7 xin rút đơn kiện, và đề nghị đình chỉ việc thụ lý vụ án theo quy định pháp luật, đồng thời đề nghị hủy toàn bộ ủy quyền với ông Nguyễn Văn Tuấn.
Tiếp nhận đơn của ông Sơn, ngày 25/6/2020, thẩm phán Lê Thị Phơ đã vào trại giam để lấy lời khai đối với ông Bùi Thế Sơn. Trong biên bản lấy lời khai, ông Sơn xác nhận: “Tại thời điểm Thiên Phú khởi kiện, có 2 thành viên góp vốn, tôi là giám đốc(99% vốn điều lệ) và ông Đặng Bình Anh Trọng (kế toán công ty, 1% vốn điều lệ; sau này ông Trọng có đơn tố cáo ông Tuấn dùng giang hồ ép chuyển nhượng cho ông Phú). Sau khi khởi kiện tại TAND Quận 7, Công ty Thiên Phú mới bổ nhiệm ông Tuấn làm Phó Giám đốc. Sau đó Công ty thay đổi đại diện ủy quyền cho bà Hà Thị Hồng Quyên tham gia tố tụng tại tòa thay ông Tuấn”. Ông Sơn khẳng định: “Nay tôi xác định tôi vẫn giữ nguyên yêu cầu rút đơn tại TAND Quận 7 và hủy bỏ ủy quyền”.
Biên bản lời khai của ông Bùi Thế Sơn |
Trước khi biên bản lấy lời khai được tất cả các bên đọc lại và xác nhận là đúng, điều tra viên Nguyễn Chí Thành (đồng thời là người chứng kiến) xác nhận: “Căn cứ kết quả hỏi cung bị can, Bùi Thế Sơn xác định việc chuyển nhượng vốn góp cho bà Phạm Thị Hường chỉ ký thủ tục trước, chưa thực hiện việc chuyển nhượng theo quy định pháp luật”.
Do đó, không thể dựa vào Khoản 6, Điều 13, Luật Doanh nghiệp để cho rằng ông Sơn không còn là đại diện theo pháp luật. Ông Sơn hoàn toàn có quyền quyết định việc rút đơn khởi kiện. Căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật TTDS, TAND Quận 7 cần ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với dự án KDC Hòa Lân.
Đại diện Kim Oanh: “Chúng tôi kỳ vọng TAND Quận 7 nhìn nhận lại sự việc một cách thấu đáo, hợp tình hợp lý, sớm đình chỉ vụ kiện, đừng đẩy sự việc đi quá xa ngoài vòng kiểm soát” |
Thành Nam – baove.congly.vn