Bị đơn xuất trình “Giấy trao vườn” nhưng giám định cho thấy chữ ký không phải của nguyên đơn. |
Giấy chuyển nhượng đất có chữ ký giả
Năm 1979, vợ chồng cụ Đỗ Thị Sang (SN 1922) có nhận chuyển nhượng thửa đất vườn của vợ chồng ông Trần Chức tại thôn Cổ Lũy, xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi. Hai bên thỏa thuận giá chuyển nhượng là 5 chỉ vàng và lập giấy tờ mua bán có xác nhận của UBND xã. Quá trình sinh sống sau đó, vợ chồng cụ Sang đã làm nhà, đào giếng nước, trồng dừa, trồng dương liễu… và tôn tạo thửa đất.
Theo cụ Sang, vào năm 1981, do chuyển vào sinh sống tại tỉnh Bình Thuận nên vợ chồng cụ đã gửi mảnh đất vườn nêu trên cho nhà sui gia – vợ chồng cụ Phạm Trực, Trương Thị Giàu (SN 1930) trông giữ hộ, được làm nhà ở, trồng hoa màu, chăn nuôi và hưởng lợi từ mảnh đất. Hàng năm, vợ chồng cụ Sang vẫn về thăm đất, thăm nhà sui gia.
Đến năm 2006, vợ chồng cụ Sang về quê lấy lại nhà đất nhưng vợ chồng cụ Phạm Trực không đồng ý, cho rằng mình đã mua đất này của vợ chồng cụ Sang chứ không phải mượn đất. Chính vì vậy, vợ chồng cụ Sang đã khởi kiện vợ chồng cụ Trực để đòi gần 3.000m2 đất và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang đứng tên cụ Sang.
Tiếp tục cho rằng mình đã nhận chuyển nhượng đất của nguyên đơn, tại phiên tòa sơ thẩm (lần 1), cụ Trực đã xuất trình “Giấy trao vườn” ghi ngày 10/4/1981 thể hiện nội dung cụ Võ Kiến (chồng cụ Sang) bán cho cụ Trực thửa đất với giá 2.000 đồng.
Tuy nhiên, kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự sau đó đã khẳng định, chữ ký trên “Giấy trao vườn” do bị đơn xuất trình không giống với chữ ký của cụ Võ Kiến trong các tài liệu đối chiếu.
Qua 10 năm với nhiều phiên tòa khác nhau (trong đó có cả phiên tòa giám đốc thẩm), đến năm 2018, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã có phán quyết chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của cụ Sang, buộc vợ chồng cụ Phạm Trực phải trả cho cụ Sang hơn 1.000m2 đất (trong đó có 760m2 đất ở).
Những tưởng vụ tranh chấp đã khép lại khi nguyên đơn đã chấp nhận việc chỉ nhận lại 1/3 diện tích thửa đất tranh chấp. Thì vào năm 2019, Viện trưởng VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng đã có kháng nghị giám đốc thẩm và cho rằng việc HĐXX phúc phẩm không yêu cầu cụ Sang thanh toán chi phí cho bị đơn để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không chấp nhận hủy 2 GCNQSDĐ của gia đình bị đơn là có thiếu sót.
Tuy nhiên, Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Đà Nẵng khi xét xử giám đốc thẩm đã không chấp nhận kháng nghị của VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng và giữ nguyên Bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Quảng Ngãi.
Áp dụng sai luật?
Đầu năm 2021, TANDTC bất ngờ có kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy Quyết định giám đốc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng và hủy bản phúc thẩm, sơ thẩm với lý do: Theo quy định của Luật Đất đai (LĐĐ) 1987 và LĐĐ 1993 thì Nhà nước sẽ thu hồi đất nông nghiệp trong trường hợp người sử dụng đất không sử dụng đất quá 6 tháng hoặc 12 tháng mà không được Nhà nước cho phép…
Dẫn quy định trên, TANDTC nhận định: “Trong trường hợp này, nguyên đơn đã không đăng ký, kê khai, không sử dụng đất tranh chấp từ năm 1979 đến nay nên không còn quyền sử dụng đất theo các quy định của pháp luật về đất đai”.
Phản đối nhận định trên, đại diện nguyên đơn đã có đơn khiếu nại cho rằng, quy định về thu hồi đất trong trường hợp không sử dụng đất như TANDTC trích dẫn chỉ áp dụng trong trường hợp người sử dụng đất được cơ quan có thẩm quyền giao đất. Thửa đất tranh chấp trong vụ án này có nguồn gốc do vợ chồng cụ Sang nhận chuyển nhượng từ cụ Trần Chức chứ không phải được Nhà nước giao nên không thể áp dụng quy định trên.
Hơn nữa, trong vụ việc này, cũng không thể coi cụ Sang đã “bỏ” đất nông nghiệp vì diện tích này đã được nguyên đơn sử dụng vào mục đích “để ở” từ năm 1979. Khi gửi sui gia trông hộ đất thì trên đất vẫn còn nhà, giếng nước, cây cối lâu năm… Sau đó, nhà sui gia cũng không “bỏ” đất mà tiếp tục sử dụng, khai thác hoa lợi từ đất…
Theo một số LS thì việc TANDTC nhận định về việc cụ Sang “không sử dụng đất” trong thời gian dài để đưa ra phán xét về việc nguyên đơn “mất quyền sử dụng đất” có dấu hiệu không đúng về thủ tục, thẩm quyền.
Tức là giả sử có việc chủ đất không sử dụng đất trong thời gian dài thì việc có thu hồi đất hay không, việc giao đất cho người khác ra sao… phải tuân theo một loạt các căn cứ, thủ tục, quyết định… do UBND cấp có thẩm quyền thực hiện. Tòa án không có quyền “phán” về việc thu hồi đất của người này, giao cho người khác sử dụng trong trường hợp trên.
Giả sử khi xét xử tranh chấp, Tòa án có phát hiện có hành vi “không sử dụng đất” thì cũng chỉ có quyền kiến nghị cơ quan hành chính thực hiện công tác quản lý đất đai theo quy định chứ không được “làm thay” việc thu hồi đất.
Trước việc bị kháng nghị sau khi TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã từng “bác kháng nghị” trong vụ việc này, nguyên đơn cho rằng TANDTC cần rút lại kháng nghị của mình, tránh việc kéo dài vụ án không cần thiết khi vụ tranh chấp này đã bị kéo dài hơn chục năm qua.