Tự ý quản lý, điều hành?
Theo phản ánh của bạn đọc, năm 2008, UBND thành phố Hà Nội có chủ trương xây dựng Trung tâm thương mại và dịch vụ Khương Đình (Dự án TTTM) tại vị trí chợ Khương Đình đang hoạt động. Liên danh Công ty cổ phần xây dựng Sông Hồng và Công ty TNHH Anh Thu là đơn vị trúng thầu. Ngày 1-8-2008, UBND quận Thanh Xuân ban hành Quyết định số 05/QĐ-UBND giao liên danh này tiếp nhận, quản lý chợ và triển khai các bước thực hiện Dự án TTTM. Ngày 12-12-2008, UBND quận Thanh Xuân ban hành Quyết định số 972/QĐ-UBND thay đổi nhà đầu tư Dự án TTTM là Công ty IT Việt Nam. Từ đó đến nay, Công ty IT Việt Nam nghiễm nhiên thực hiện việc quản lý, điều hành, áp đặt các quy định đối với mọi hoạt động tại chợ này. Mặc dù, Dự án TTTM không được thực hiện đúng tiến độ và sau này bị đình chỉ do không phù hợp với quy hoạch chung về mạng lưới các TTTM của TP Hà Nội.
Về nguyên tắc, UBND thành phố Hà Nội phải có quyết định thu hồi Dự án TTTM; UBND quận Thanh Xuân phải có quyết định thu hồi quyết định giao quyền quản lý chợ (trong thời gian triển khai dự án) đối với liên danh Sông Hồng – Anh Thu. Đồng thời phải tổ chức thành lập ban quản lý để điều hành hoạt động của chợ Khương Đình dưới sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các cấp chính quyền của TP Hà Nội không thực hiện các bước này.
Việc Công ty IT Việt Nam, chỉ với một quyết định giao chủ đầu tư thực hiện Dự án TTTM (đã bị đình chỉ), mà vẫn được quản lý, điều hành hoạt động của chợ Khương Đình là vi phạm các quy định về quản lý và không đúng với mục đích xây dựng chợ dân sinh. Công ty này đã tự cải tạo, sửa chữa các ki-ốt theo mục đích kinh doanh; tự ý ban hành các quyết định trái quy định về mức thu phí, lệ phí dịch vụ đối với các hộ kinh doanh; tự ý nâng giá điện, nước và tùy tiện cắt điện, nước nếu có hộ kinh doanh phản đối. “Công ty IT Việt Nam tự ý áp đặt các quy định khiến các hộ kinh doanh tại chợ Khương Đình rất bức xúc. Nhiều hộ không chịu được các quy định vô lý như thế đã trả ki-ốt, không tiếp tục kinh doanh. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị việc giao quyền cho một công ty tư nhân kinh doanh trên mặt bằng chợ dân sinh do Nhà nước xây dựng là trái pháp luật, làm thất thu ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của hộ kinh doanh và nhân dân. Do không được giải quyết thỏa đáng nên buộc lòng chúng tôi phải khiếu nại và tố cáo việc làm vi phạm của Công ty IT Việt Nam và yêu cầu cơ quan chức năng trả chợ Khương Đình về đúng mục đích hoạt động của nó”, chị N.T.L, đại diện các hộ kinh doanh tại chợ Khương Đình cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết phản ánh của các hộ kinh doanh về việc Công ty IT Việt Nam tự ý quản lý, điều hành và kinh doanh hoạt động tại chợ Khương Đình là đúng sự thật. UBND phường Khương Đình cũng đã nhiều lần tổ chức các cuộc họp, ghi nhận ý kiến giữa các bên và yêu cầu Công ty IT Việt Nam giải quyết dứt điểm kiến nghị của các hộ kinh doanh nhưng phía Công ty IT Việt Nam không chấp nhận (biên bản làm việc ngày 21, 22-5-2019). UBND quận Thanh Xuân cũng đã có một số văn bản trả lời kiến nghị, tố cáo của công dân, trong đó có thừa nhận sai phạm của Công ty IT Việt Nam nhưng không có phương án giải quyết (Thông báo số 1883/UBND-TTr ngày 6-12-2019; số 317/TB-CTUBND ngày 4-5-2020). Doanh nghiệp này đã từng bị Chi cục Thuế quận Đống Đa truy thu và phạt số tiền gần 490 triệu đồng (Quyết định số 28316/QĐ-CCT-KTT1 ngày 25-10-2019); Điện lực Thanh Xuân có Văn bản số 678/PC THANHXUAN-P9 ngày 12-4-2019 yêu cầu thu tiền điện đúng giá quy định… Theo phản ánh của bạn đọc, Công ty IT Việt Nam tự ý đứng ra quản lý, điều hành, khai thác một công trình phục vụ dân sinh do Nhà nước đầu tư xây dựng; ban hành các quy định trái pháp luật; không chấp hành chỉ đạo của chính quyền địa phương…
Sai phạm nối tiếp sai phạm
Thứ nhất, tại thời điểm đề xuất thực hiện Dự án TTTM, còn rất nhiều thủ tục liên quan, như giấy phép quy hoạch, bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sơ bộ… chưa có hoặc chưa hoàn thiện. Diện tích quy hoạch là 6.500 m2 nhưng thực tế chợ Khương Đình chỉ có tổng mặt bằng hơn 5.200 m2. Hơn nữa, mặt đường Khương Trung (cổng chính chợ) quá nhỏ; khu vực chung quanh đã có tới bốn TTTM lớn nên không phù hợp xây dựng TTTM. Việc tiếp nhận một dự án mù mờ, thiếu tính khả thi và hiệu quả kinh tế như vậy cho thấy việc lập dự án đầu tư của doanh nghiệp có “vấn đề”.
Thứ hai, thông tin đăng ký doanh nghiệp cho thấy, Công ty IT Việt Nam thành lập ngày 9-7-2008, được cấp Giấy phép kinh doanh số 0102809061, ngày 11-8-2008, với rất nhiều ngành nghề kinh doanh. Người đại diện pháp luật là ông Cao Minh; địa chỉ đăng ký doanh nghiệp tại 365 Khương Trung (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) – là địa chỉ của chợ Khương Đình. Việc cấp đăng ký kinh doanh tại địa chỉ chợ Khương Đình cho Công ty IT Việt Nam gây thắc mắc bởi thời điểm đăng ký, công ty này không có tư cách pháp nhân tại địa chỉ nêu trên.
Thứ ba, mặc dù mới đăng ký kinh doanh tháng 8-2008, thế nhưng, tại Văn bản số 972/QĐ-UBND ngày 12-12-2008, UBND quận Thanh Xuân đã nhanh chóng chấp thuận việc thay đổi nhà đầu tư đối với Dự án TTTM là Công ty IT Việt Nam. Từ một liên danh (trong đó có một doanh nghiệp chuyên về xây dựng khá lớn) sang một doanh nghiệp tư nhân vừa thành lập, chưa có kinh nghiệm, thực tế hoạt động và không có chuyên môn về xây dựng, quản lý loại hình TTTM.
Thứ tư, trong quá trình được “tiếp nhận, quản lý” chợ Khương Đình từ liên danh trúng thầu Sông Hồng – Anh Thu, Công ty IT Việt Nam phải tuân thủ Văn bản số 3489/UBND-KT, ngày 28-11-2008 của UBND thành phố Hà Nội; chấp hành đầy đủ các quy định, điều khoản được ban hành trong Quyết định số 648/QĐ-UBND, ngày 3-4-2008 của UBND quận Thanh Xuân. Quyết định số 648 nêu trên đã nêu rõ thời gian hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác công trình Dự án TTTM là ngày 10-10-2010. Như vậy, kể cả liên danh trúng thầu lẫn doanh nghiệp được giao lại Dự án TTTM chỉ được tiếp nhận, quản lý chợ Khương Đình để tổ chức thực hiện dự án. Không có văn bản nào giao cho các doanh nghiệp nêu trên khai thác, quản lý, điều hành hoạt động của chợ sau thời điểm Dự án TTTM hoàn thành (10-10-2010). Nhưng không hiểu tại sao Công ty IT Việt Nam vẫn được quyền quản lý, khai thác chợ thuộc sở hữu Nhà nước như vậy.
Thứ năm, Pháp lệnh Phí và lệ phí số 38/2001/PL-UBTVQH10 ngày 22-8-2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (có hiệu lực đến 31-12-2016); Luật Phí và lệ phí (áp dụng từ 1-1-2017) đều quy định rõ cơ quan có thẩm quyền được ban hành quy định về mức thu phí, lệ phí. Trong khi đó, Công ty IT Việt Nam đã “tự ý” nhiều lần ban hành các quyết định thu phí, tăng phí đối với các dịch vụ; thu tăng hơn 600 đồng/kWh giá điện, tăng giá nước sinh hoạt; phá dỡ, cải tạo các công trình công cộng của chợ dân sinh phục vụ mục đích kinh doanh, thu lợi… là các hoạt động không đúng chức năng, thẩm quyền, không được chính quyền địa phương, cơ quan chức năng chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Liên quan đến những sai phạm nêu trên, mới đây nhất, UBND quận Thanh Xuân có Thông báo số 317/TB-CTUBND, ngày 4-5-2020, nêu rõ: Công ty IT Việt Nam tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với ông Cao Minh, Tổng Giám đốc và bà Lê Thị Kim Hoa, Phó Tổng Giám đốc trong việc tổ chức quản lý, duy trì chợ Khương Đình khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; ban hành các khoản thu chưa phù hợp; trái thẩm quyền…
Qua những vấn đề nêu trên, có thể nhận thấy việc Công ty IT Việt Nam đang quản lý, điều hành hoạt động của chợ Khương Đình là không đúng chức năng, thẩm quyền, làm thất thu ngân sách của Nhà nước và gây bất bình trong dư luận nhân dân. Đề nghị UBND thành phố Hà Nội, UBND quận Thanh Xuân nhanh chóng kiểm tra, làm rõ và có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc.