Khởi tố, bắt giam hai cán bộ Học viện Quân y liên quan vụ án Công ty Việt Á

Cập nhật: 09/03/2022 09:39

Đại diện Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng cho biết, sau khi điều tra, xác minh về các sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y trong việc nghiên cứu, bàn giao đề tài: Chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV); và sai phạm trong việc mua một số sản phẩm vật tư y tế của Công ty Việt Á; “Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đánh giá: Sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y là nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Phan Quốc Việt (bên trái) và Thượng tá Hồ Anh Sơn tại họp báo “Công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kit phát hiện SARS-CoV-2 do Học viện Quân y và Công ty Công nghệ Việt Á phối hợp thực hiện”.

Bắt giam 2 bị can để điều tra 3 tội danh

Cơ quan Điều tra hình sự Bộ Quốc phòng vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam với Thượng tá Hồ Anh Sơn, Phó GĐ Viện Nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y) để điều tra về tội “Tham ô tài sản” theo khoản 4 Điều 353 và tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại khoản 3 Điều 356 BLHS.

Đại tá Nguyễn Văn Hiệu, Trưởng Phòng Trang bị, vật tư, Học viện Quân y cũng bị bắt để điều tra về tội Vi phạm quy định về đấu thầu, gây hậu quả nghiêm trọng theo khoản 4 Điều 222 BLHS.

Các quyết định tố tụng của CQĐT đều đã được VKS Quân sự Trung ương phê chuẩn.

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 12, Ủy ban Kiểm tra Trung ương (UBKTTƯ) đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y các nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025. Theo UBKTTƯ, những vi phạm của một loạt cán bộ Học viện Quân y trong vụ kit xét nghiệm Việt Á gây hậu quả rất nghiêm trọng đến mức phải xem xét kỷ luật.

Tại kỳ họp này, UBKTTƯ đã xem xét kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm với Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y nhiệm kỳ 2015 – 2020, 2020 – 2025. UBKTTƯ nhận thấy: Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc của cấp ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cán bộ, lãnh đạo Học viện vi phạm nghiêm trọng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong quá trình đề xuất, tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm xét nghiệm COVID-19 phục vụ công tác phòng, chống dịch; và việc mua sắm vật tư, kit xét nghiệm từ Công ty CP Công nghệ Việt Á.

Theo đó, các nhân sự: Trung tướng Nguyễn Viết Lượng (Bí thư Đảng ủy, Chính ủy); Trung tướng Đỗ Quyết (Phó Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện); Thiếu tướng Hoàng Văn Lương (Uỷ viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện kiêm Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự); Thượng tá Hồ Anh Sơn (Bí thư Chi bộ, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Y Dược học Quân sự, Chủ nhiệm đề tài); Đại tá Nguyễn Văn Hiệu (Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng Phòng Trang bị, Vật tư); và lãnh đạo, cán bộ một số đơn vị thuộc Học viện cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Học viện Quân y; chịu trách nhiệm cá nhân về những vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và Học viện Quân y, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật.

Những vi phạm nêu trên có trách nhiệm của Ban Cán sự Đảng, một số lãnh đạo và tổ chức, cá nhân ở Bộ KH&CN, Bộ Y tế, đang được UBKTTƯ tiếp tục kiểm tra, làm rõ.

Khởi tố, bắt giam hai cán bộ Học viện Quân y liên quan vụ án Công ty Việt Á ảnh 1
Thượng tá Sơn là Phó GĐ Viện nghiên cứu Y dược học quân sự (Học viện Quân y).

Cục Tuyên huấn: “Sai phạm nghiêm trọng, phải xử lý nghiêm”

Hồi cuối tháng 12/2021, vài ngày sau khi Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Việt Á) bị bắt, trả lời báo chí, Thượng tá Sơn cho rằng: “Công ty Việt Á tham gia cùng nhóm nghiên cứu kit test Covid-19 từ những ngày đầu bởi tính cấp bách. Việc chuyển giao gần như đồng thời giữa nhóm nghiên cứu và đơn vị sản xuất là Việt Á để cùng thẩm định kết quả, kịp cho việc sản xuất kit phục vụ phòng chống dịch”.

Thời điểm đó, ông Sơn cho rằng: “Bộ sinh phẩm xét nghiệm nCoV của Việt Nam có độ chính xác cao, là kết quả, kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của các nhà khoa học. Sai phạm của Việt Á không liên quan nghiên cứu kit xét nghiệm”.

Hôm qua (8/3), Báo CAND dẫn lời đại diện Cục Tuyên huấn, Bộ Quốc phòng, cho biết: “Chấp hành Kết luận của BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại Phiên họp thứ 21, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan tư pháp quân đội báo cáo kết quả điều tra, xác minh về các sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y trong việc nghiên cứu, bàn giao đề tài: Chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus Corona mới 2019 (2019-nCoV); và sai phạm trong việc mua một số sản phẩm vật tư y tế của Công ty Việt Á”.

“Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương đánh giá: Sai phạm của một số cán bộ thuộc Học viện Quân y là nghiêm trọng, cần phải xử lý nghiêm theo pháp luật”.

Ngày 17/12/2021, những nghi phạm đầu tiên của vụ án Việt Á bị bắt về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng là Phan Quốc Việt cùng 3 thuộc cấp và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương).

Theo CQĐT, Việt khai nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và chi “hoa hồng” lót tay cho các đơn vị, cá nhân gần 800 tỷ đồng. Việt Á sau đó thu lợi trên 500 tỷ đồng.

Mở rộng vụ án, CQĐT khởi tố Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế), Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ KH&CN) về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Nguyễn Văn Định (Giám đốc CDC Nghệ An), Nguyễn Thành Danh (Giám đốc CDC Bình Dương), Lâm Văn Tuấn (Giám đốc CDC Bắc Giang), cùng một số người bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

C03 Bộ Công an xác định bị can Việt, ngoài hành vi câu kết với cán bộ, lãnh đạo các CDC để thông thầu, còn hối lộ Tuyến 27 tỷ đồng. Vì thế, Việt và Tuyến bị khởi tố thêm tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ.

Bộ Công an cho rằng vụ án “gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với công tác phòng, chống dịch và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”. Ngày 29/12/2021, vụ án được BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo.

Liên quan vụ án, hiện CQĐT đã khởi tố 21 bị can và thu giữ, phong tỏa kê biên, thu hồi tài sản trị giá 1.600 tỷ.

theo Văn Sơn – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan