Bài 2: Chưa thể thực thi đầy đủ quyền hạn, nhiệm vụ

Cập nhật: 18/11/2024 08:58

Mặc dù đảm nhiệm rất nhiều công việc quan trọng, song trên thực tế hoạt động của Ban HĐND cấp xã thời gian qua còn không ít những vướng mắc, hạn chế. Có một thực tế đã được chỉ rõ qua giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh là không ở góc độ này thì lại góc độ khác, các Ban HĐND cấp xã gần như đều chưa thể triển khai đầy đủ quyền hạn, chức năng, nhiệm vụ của mình.

Còn đó những trăn trở

Trước đây, theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, đối với HĐND cấp xã không tổ chức các Ban của HĐND. Tuy nhiên, đến năm 2015, khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực, HĐND cấp xã được thành lập 2 Ban Kinh tế – Xã hội và Pháp chế. Về mặt tổ chức, các Ban HĐND cấp xã có Trưởng ban, 1 Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên của các Ban của HĐND xã do HĐND xã quyết định. Trưởng ban, Phó Trưởng ban, các ủy viên hoạt động kiêm nhiệm.

Lãnh đạo các Ban và đại biểu HĐND phường Hồng Phong, thành phố Đông Triều khảo sát thực tế tiến độ giải quyết kiến nghị của cử tri. Ảnh: P. Hà
Lãnh đạo các Ban và đại biểu HĐND phường Hồng Phong, thành phố Đông Triều khảo sát thực tế tiến độ giải quyết kiến nghị của cử tri. Ảnh: P. Hà

Việc thành lập các Ban của HĐND cấp xã được xem là bước tiến, đáp ứng đòi hỏi từ chính yêu cầu công việc và vị trí, vai trò của HĐND cấp xã ngày càng được khẳng định; trình độ, năng lực của đại biểu HĐND cấp xã cũng ngày một nâng lên. Về nhiệm vụ, quyền hạn của các Ban HĐND các cấp nói chung và cấp xã nói riêng được quy định khá chi tiết, cụ thể tại Điều 108, 109 Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015; Luật Sửa đổi bổ sung một số điều Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2019 cũng như Điều 76, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Quy định là như vậy, nhưng thực tế giám sát tại 28 Ban HĐND cấp xã của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh lại ghi nhận, không ở góc độ này thì lại góc độ khác, các Ban HĐND cấp xã gần như đều chưa thể triển khai đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn. Nguyên Ủy viên Thường trực, nguyên Trưởng Ban Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Ninh Đỗ Mạnh Hùng (thời điểm tháng 4.2024 là thành viên Đoàn giám sát) cho biết: sau khi được HĐND xã bầu, có đến 24/28 Ban HĐND cấp xã chưa kịp thời xây dựng chương trình công tác năm 2021 mà vẫn thực hiện chương trình công tác của nhiệm kỳ trước (2016 – 2021); 4/28 ban chưa thực hiện báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng, hàng năm mà gộp chung trong báo cáo kết quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND xã. Nội dung đánh giá hoạt động của các Ban HĐND cấp xã trong báo cáo còn rất sơ sài, chung chung, thậm chí không có đánh giá…

Thậm chí, một số Ban HĐND cấp xã còn chưa mở sổ ghi chép, theo dõi các nội dung, biên bản các cuộc họp của Ban để triển khai các nhiệm vụ hoặc nếu có sổ ghi chép thì còn chung chung, hình thức, không có ý kiến phát biểu của người tham dự.

Mỗi địa phương một cách làm

Hơn 1 tháng tham gia Đoàn giám sát, sát sao cùng hoạt động của các Ban HĐND cấp xã, chuyên viên Ban Dân chủ – Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghiêm Thị Huyền Trang cũng chung tâm tư khi việc phân công triển khai các hoạt động khảo sát ở mỗi địa phương lại có cách làm khác nhau. Trong đó, đến 17/28 Ban HĐND cấp xã chưa triển khai các hoạt động khảo sát theo lĩnh vực được phân công phụ trách.

Lãnh đạo các Ban HĐND cấp xã làm rõ thêm về một số nội liên quan đến thực tế hoạt động theo đề nghị của Đoàn giám sát
Lãnh đạo các Ban HĐND cấp xã làm rõ thêm về một số nội liên quan đến thực tế hoạt động theo đề nghị của Đoàn giám sát

Đáng chú ý, việc thẩm tra các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án của UBND cấp xã liên quan đến lĩnh vực phụ trách do HĐND hoặc Thường trực HĐND cấp xã phân công đa số chưa bảo đảm quy trình, thời gian, hồ sơ kèm theo các báo cáo thẩm tra. Các báo cáo thẩm tra ít có ý kiến phản biện, kiến nghị. Việc lưu trữ hồ sơ của nhiều Ban không đầy đủ, chưa khoa học. Cá biệt, có Ban từ đầu nhiệm kỳ đến nay không thực hiện thẩm tra các dự thảo nghị quyết, tờ trình, báo cáo trình HĐND xã. Đa số báo cáo thẩm tra chưa bảo đảm thời gian theo quy định, thậm chí có báo cáo được ban hành sau khi kỳ họp diễn ra.

Bà Trang cũng cho biết, có tình trạng một số Ban chưa được Thường trực HĐND giao triển khai khảo sát, giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới các kỳ họp HĐND cũng như thẩm tra việc giải quyết kiến nghị của cử tri theo quy định tại Khoản 2 Điều 74 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Đa số các Ban chưa gửi báo cáo kết quả thực hiện Chương trình giám sát của năm trước đến Thường trực HĐND để tổng hợp báo cáo HĐND, theo quy định tại Điều 7 Nghị quyết số 594/NQ-UBTVQH15 ngày 12.9.2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND…

Đặc biệt, mặc dù là đơn vị có tổ chức, chức năng nhiệm vụ rõ ràng nhưng đến nay Ban HĐND không có con dấu riêng, việc đóng dấu văn bản của ban hiện nay đều sử dụng dấu của Thường trực, dẫn tới tư cách pháp nhân của Ban không rõ ràng, không chính thức, ảnh hưởng tới sự nhìn nhận, đánh giá về tư cách hoạt động chung của các thành viên Ban.

Tin liên quan