Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề

Cập nhật: 15/11/2024 10:07

 Xây dựng và hoàn thiện thể chế là “đột phá của đột phá”, là nguồn lực, động lực cho phát triển. Tuy nhiên, một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng tới chất lượng lập pháp và thi hành pháp luật đã được chỉ ra qua nhiều nghị quyết của Đảng, nhiều kỳ họp Quốc hội vẫn chưa được khắc phục triệt để…

Tại Hội nghị Trung ương 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết 27-NQ/TW “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. (Ảnh: TTXVN)

LTS: Một trong những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII “Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” đặt ra là có hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, kịp thời, khả thi, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững… Trên tinh thần này, Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu “đổi mới tư duy xây dựng pháp luật”, bám sát thực tiễn để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp.

Chất lượng pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn

Điểm nổi bật trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế thời gian qua là chúng ta đã có một hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ, điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Phần lớn văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có chất lượng tốt, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch. Công tác thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được chú trọng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội…

Tuy nhiên, công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế. Tại Phiên họp thứ 37 (ngày 12/9/2024) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến vào Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của QH…, Thường trực Ủy ban Pháp luật đánh giá, còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, chưa bảo đảm tính đồng bộ, tính thống nhất giữa các văn bản QPPL hoặc quy định không rõ ràng, cụ thể; thậm chí cùng một quy định nhưng có nhiều cách hiểu khác nhau gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật. Việc xử lý nhiều văn bản có nội dung trái pháp luật đã được Bộ Tư pháp kết luận, kiến nghị xử lý trong kỳ báo cáo còn chậm, chưa kịp thời, dứt điểm. Công tác PBGDPL tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa được triển khai kịp thời, còn chờ hướng dẫn của cấp trên…

Chỉ ra những tồn tại của công tác lập pháp, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước (nay là Tổng Bí thư) Tô Lâm nêu rõ: Trong 3 “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo, nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực… Tổng Bí thư cũng chỉ rõ, dấu hiệu bị tác động, “lợi ích nhóm” trong quá trình xây dựng, thẩm định các văn bản pháp luật là đáng lo ngại, gây ra thiệt hại, thậm chí tạo khúc quanh đối với phát triển.

Vậy, đâu là những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật? khắc phục ra sao? GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trong tư duy xây dựng pháp luật hiện nay, chúng ta đang “vấp” phải một số vấn đề. Thứ nhất, có phần nhìn nhận không thực sự hoàn chỉnh và toàn diện về mối quan hệ giữa chính sách và pháp luật. Trong nhiều văn bản pháp luật, vẫn có những từ ngữ như “tăng cường”, “nâng cao”… “Thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật phải tìm cách để biến những nội dung đó thành những quyền, nghĩa vụ cụ thể của các thành viên trong xã hội” – GS. Hạnh nói.

Thứ hai, quy trình xây dựng pháp luật có dấu ấn rất rõ của việc siết chặt “quản lý ngành”. Thứ ba, việc bắt buộc phải lấy ý kiến của Nhân dân và những đối tượng bị tác động bởi các văn bản luật, dù đã có quy định nhưng quá trình thực hiện chưa có giải pháp đủ mạnh để triển khai hiệu quả. Từ phân tích trên, Chủ tịch VIAC cho rằng: “Đổi mới tư duy cần cách nhìn mới ở những khía cạnh nêu trên. Đó không phải là tất cả, nhưng là những vấn đề cơ bản cần giải quyết”.

Thủ tục đầu tư như “mê hồn trận”

Bên cạnh những hạn chế trên, việc gắn kết giữa xây dựng pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực chưa thực sự hiệu quả, chưa phản ánh đầy đủ, kịp thời nhu cầu thực tiễn. Nhiều quy định do các Bộ ban hành có nội dung không thống nhất, thậm chí “đá nhau”, hoặc đặt ra nhiều thủ tục phức tạp… Trong khi chỉ cần một thủ tục không rõ ràng, một khái niệm với nhiều cách hiểu khác nhau sẽ khiến quy trình đầu tư bị đình trệ, môi trường kinh doanh bị méo mó.

Dễ hiểu khi vì sao trong phiên thảo luận của Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật năm 2024, tổ chức ngày 9/10 vừa qua, một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là thủ tục hành chính (TTHC). Đề cập tới vấn đề pháp lý về dự án đầu tư có sử dụng đất, giải phóng mặt bằng (GPMB), Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, đối tác nước ngoài từng phản ánh thủ tục đầu tư như “mê hồn trận”, khó triển khai.

Theo ông Hiệp, pháp luật quy định tổng thời gian cho các TTHC đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất là 310 ngày, nhưng thực tế dài hơn rất nhiều. Còn khâu GPMB, có những dự án cần đến 38 – 40 con dấu… Vì thế, có dự án mất tới 14 năm cho vấn đề mặt bằng. Ông Hiệp cũng phản ánh: lĩnh vực bất động sản chịu sự điều chỉnh của 15 luật, nhưng các luật lại thiếu tính đồng bộ. Khắc phục tính thiếu đồng bộ này, vừa qua, chúng ta đã dùng một luật sửa ba Luật: Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở. Tuy nhiên, công tác tham vấn lắng nghe của Bộ, ngành đối với các doanh nghiệp (DN) vẫn chưa sát vấn đề thực tế.

Tổng Bí thư Tô Lâm: “Để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, thực tiễn nóng bỏng đang đòi hỏi công tác xây dựng pháp luật ở tầm cao mới, thật sự tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển”.

Ông Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của UBTVQH trong lần trả lời Báo PLVN về vấn đề này cho rằng: Việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật thường chậm, còn nhiều hạn chế, bất cập cả về năng lực và tính trong sáng, khách quan. Trong khi đó, tiêu cực trong đấu giá, đấu thầu, chứng khoán, mua sắm tài sản công, đất đai… thường phát sinh từ những quy định sơ hở, có dấu hiệu “lợi ích nhóm” trong các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.

Còn ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, hiện nay, từ cơ chế đến phương pháp lấy ý kiến Nhân dân chưa hiệu quả. Thời gian gửi hồ sơ, dự thảo văn bản để lấy ý kiến thường rất gấp; nhiều trường hợp, tài liệu gửi lấy ý kiến không đầy đủ hoặc nội dung sơ sài, thiếu các thông tin cần thiết…

“Tuổi thọ” của luật quá ngắn

Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, đã là luật thì phải ổn định, lâu dài để kiến tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư, nhưng nhiều luật của chúng ta có “tuổi thọ” quá ngắn. Minh chứng cho thực trạng này là Luật Đầu tư năm 2014, được sửa đổi, bổ sung 5 lần vào các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 và được sửa đổi toàn diện năm 2020. Như vậy, chỉ sau một năm ban hành, Luật này đã phải tiến hành sửa đổi. Tương tự, Luật Xây dựng năm 2014 cũng được sửa đổi, bổ sung 4 lần vào các năm 2016, 2018, 2019 và 2020… Nhưng điển hình hơn cả cho câu chuyện luật mới ban hành, chưa đưa vào cuộc sống đã phải sửa đổi là Bộ luật Hình sự năm 2015…

Thẳng thắn chỉ ra tình trạng này tại các phiên họp của QH, nhiều đại biểu QH đặt vấn đề: Luật thường xuyên phải thay đổi như vậy là do cuộc sống thay đổi quá nhanh hay do chất lượng xây dựng luật chưa cao? Có hay không vấn đề quy trình, điều kiện, thủ tục, thời gian trong quy trình xây dựng văn bản QPPL chưa hợp lý, năng lực đội ngũ cán bộ trong xây dựng văn bản QPPL chưa đáp ứng yêu cầu?… Những hạn chế, bất cập trên đã phần nào làm nản lòng các DN; gây khó khăn, phiền nhiễu cho người dân. Nhưng quan trọng hơn là dễ “tạo môi trường” làm cho các chuẩn mực đạo đức trong hoạt động công vụ bị méo mó, từ đó nảy sinh tệ tham nhũng, tiêu cực…

Quyết tâm tháo gỡ những bất cập này, tại Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất cao xác định đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ “điểm nghẽn”, rào cản, lấy người dân, DN làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân; nhất là phải “đổi mới tư duy, quan điểm, quy trình xây dựng luật, cơ quan làm luật”…

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch VIAC: “Tổng Bí thư Tô Lâm đề cập đến nhiều đổi mới trong kỷ nguyên mới, trong đó có đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Chúng ta phải xác định, tư duy xây dựng pháp luật hiện tại có điểm gì chưa thực sự phù hợp và đang cản trở đất nước bứt phá trong kỷ nguyên mới. Nếu không xác định được những điểm bất cập đó thì chúng ta không biết sẽ đổi mới cái gì. Do đó, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, điều cốt lõi là phải xác định được những “điểm nghẽn” và hướng tới những giải pháp để khắc phục hiệu quả”.

Tin liên quan

Chung khảo Cuộc thi “Tìm kiếm ý tưởng, giải pháp cải cách hành chính TP Hà Nội năm 2024” Thể hiện rõ tinh thần đổi mới, sáng tạo của đội ngũ cán bộ, công chức - Cập nhật: 18/11/2024 08:55
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 3: Gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật​ - Cập nhật: 18/11/2024 08:36
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 1: Nhận diện vấn đề - Cập nhật: 15/11/2024 10:07
Nhận diện thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để kích động “ly khai”, “tự trị” - Cập nhật: 15/11/2024 10:00
Giải trình, phản biện công khai để Nhân dân nắm rõ - Cập nhật: 12/11/2024 09:59
Chủ tịch Quốc hội: Qua chất vấn, tạo chuyển biến thực sự trong từng lĩnh vực quản lý - Cập nhật: 11/11/2024 12:50
Nhiều chính sách mới nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 11/2024 - Cập nhật: 10/11/2024 11:28
Xử lý vật chứng, tài sản góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tham nhũng - Cập nhật: 10/11/2024 11:19
Việt Nam đã phát điện cạnh tranh nhưng vẫn phải kiểm soát ‘đầu ra’ - Cập nhật: 08/11/2024 11:29
Kỳ cuối: Cán bộ có tâm, người dân hạnh phúc - Cập nhật: 08/11/2024 11:22