Bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán

Cập nhật: 07/06/2023 19:40

Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, trong đó quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, bổ sung quy định nhằm quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tăng cường chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư… nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.

Ảnh minh họa.

Đến cuối tháng 4/2023, đã có trên 7 triệu tài khoản nhà đầu tư

Thị trường chứng khoán là một cấu phần quan trọng của thị trường vốn, thị trường tài chính, giúp huy động và sử dụng nguồn vốn một cách có hiệu quả, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Tính riêng trong năm 2022, giá trị huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng ước đạt 116.684 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến hết tháng 4/2023, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ước đạt 5.416 nghìn tỷ đồng, tương đương 60,89% GDP ước tính năm 2022.

Thị trường có 758 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán và 857 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên UPCoM với tổng giá trị niêm yết, đăng ký giao dịch đạt 1.992 nghìn tỷ đồng, tương đương 20,9% GDP ước tính năm 2022; có 449 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.834 nghìn tỷ đồng, tương đương 19,3% GDP ước tính năm 2022.

Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đến cuối tháng 4/2023 là trên 7 triệu tài khoản, tăng hơn 1,5 lần so với cuối năm 2020.

Số lượng tài khoản của nhà đầu tư đến cuối tháng 4/2023 là trên 7 triệu tài khoản, tăng hơn 1,5 lần so với cuối năm 2020 và vượt mức 5% dân số trước 3 năm so với mục tiêu được Chính phủ đưa ra trong Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và bảo hiểm đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

Trong đó, số lượng tài khoản nhà đầu tư trong nước đạt 7,016 triệu tài khoản, tăng trên 156% so với cuối năm 2020 và số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài đạt 43.465 tài khoản, tăng 24% so với cuối năm 2020.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm đa số trên thị trường cổ phiếu, các nhà đầu tư có tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ. Điều này dẫn đến giao dịch trên thị trường chứng khoán về cơ bản không ổn định, chủ yếu theo tâm lý nhà đầu tư cá nhân. Nhiều nhà đầu tư cá nhân còn chưa được trang bị đầy đủ kiến thức về pháp luật, nhận thức còn hạn chế, mặc dù đã được thông tin, tuyên truyền, cảnh báo.

Trước tác động của các tin đồn thất thiệt, lo ngại về yếu tố dòng tiền, áp lực lạm phát, những bất ổn về kinh tế-chính trị thế giới đã làm cho nhà đầu tư có tâm lý thận trọng, đã tác động đến thị trường chứng khoán, sự đồng pha với diễn biến giảm của thị trường chứng khoán thế giới dẫn đến sự sụt giảm, biến động trên thị trường chứng khoán trong nước kể từ tháng 4/2022 cho đến những tháng đầu năm 2023.

Tăng cường hiệu quả của công tác giám sát

Sự phát triển của thị trường chứng khoán đòi hỏi công tác quản lý, giám sát thị trường chứng khoán phải liên tục được củng cố, hoàn thiện trên các mảng hoạt động. Ngoài công tác giám sát giao dịch trên thị trường chứng khoán, công tác giám sát tuân thủ nghĩa vụ công ty đại chúng cũng đã được triển khai thường xuyên.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, đã chủ động tiến hành rà soát việc tuân thủ nghĩa vụ công ty đại chúng của một số công ty có giá giao dịch bất thường trên sàn.

Các cơ quan chức năng đã tăng cường rà soát chặt chẽ việc phát hành của các công ty đại chúng, công ty niêm yết, đặc biệt đối với các trường hợp tăng vốn nhanh; triển khai kiểm tra hoạt động công ty đại chúng, tổ chức kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục rà soát Báo cáo tài chính năm 2022 và Báo cáo tài chính quý I/2023 của các công ty đại chúng. Qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.

Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm tiếp tục được triển khai quyết liệt. Trong năm 2022, đã triển khai nhiều đoàn kiểm tra đối với các mã chứng khoán có dấu hiệu giao dịch bất thường; thực hiện phân tích giao dịch đối với các mã chứng khoán, tiến hành thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan các tài khoản giao dịch bất thường để tiếp tục xử lý; đồng thời tổ chức triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia thị trường, bao gồm thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 495 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 39 tỷ đồng.

Căn cứ kết quả giám sát thường xuyên và thanh kiểm tra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt hành chính 495 tổ chức, cá nhân vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 39 tỷ đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đối với 6 trường hợp, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong 15 trường hợp.

Tuy nhiên, hoạt động giám sát, kiểm tra thanh tra còn gặp nhiều khó khăn do các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường ngày càng tinh vi, phức tạp trong khi nguồn lực giám sát, thanh kiểm tra còn bị hạn chế.

Các sản phẩm trên thị trường chứng khoán hiện nay mặc dù đã có thêm các sản phẩm mới, nhưng vẫn chưa đa dạng, chủ yếu vẫn là thị trường chứng khoán cơ sở (cổ phiếu niêm yết/đăng ký giao dịch), các sản phẩm chứng khoán phái sinh còn hạn chế.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt mục tiêu đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành hệ thống công nghệ thông tin KRX nhằm tạo điều kiện triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới trên thị trường chứng khoán và bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, liên tục, an toàn, hiệu quả.

Bộ Tài chính cũng đang chỉ đạo các bên liên quan chuẩn bị nền tảng giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhằm góp phần tăng cường tính minh bạch trên thị trường thứ cấp; đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cơ quan chức năng sẽ tăng cường cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận nhanh và đầy đủ nguồn thông tin chính thống, hạn chế sự tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo trên thị trường.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Kỳ vọng tín hiệu tích cực trong nửa cuối năm

Diễn biến tình hình trên thị trường chứng khoán trong thời gian tới phụ thuộc phần lớn vào các chính sách kinh tế vĩ mô và triển vọng kinh tế trong nước cũng như thế giới.

Trước tình hình lạm phát bắt đầu có xu hướng giảm ở một số nền kinh tế như Mỹ và EU, lộ trình tăng lãi suất của ngân hàng trung ương một số nước cho dù vẫn tiếp tục nhưng có xu hướng chậm lại, với mức tăng nhỏ hơn. Đây là các tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng.

Những nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đẩy mạnh đầu tư công cũng được kỳ vọng sẽ đem lại những tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, kích thích các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần ban hành các quyết định điều chỉnh giảm mức lãi suất điều hành. Theo đó, lãi suất huy động và cho vay của nhiều ngân hàng thương mại cũng tiếp tục xu hướng giảm trong một vài tuần cuối tháng 4 và đầu tháng 5/2023.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ được ban hành gần đây như Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, Nghị định 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, Thông tư 03/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép các tổ chức tín dụng được mua lại trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết, là những giải pháp thiết thực nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Ngoài ra, dịch bệnh tiếp tục được kiểm soát tốt, các yếu tố nền tảng vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát, các hoạt động kinh tế, tiêu dùng nội địa và du lịch quốc tế được khôi phục. Đây là yếu tố ảnh hưởng tích cực tới thanh khoản trên thị trường chứng khoán trong Quý III và Quý IV/2023.

Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng trong năm 2023 vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Bộ Tài chính đang rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc, trong đó quy định rõ phạm vi hoạt động và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, bổ sung quy định nhằm quản lý tốt hơn các nhà đầu tư, tăng cường chế tài xử phạt vi phạm để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư… nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh, minh bạch và bền vững của thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng tiếp tục theo dõi sát diễn biến của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế; phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán, có cảnh báo sớm đối với nhà đầu tư về các rủi ro (nếu có) của thị trường chứng khoán.

Tin liên quan