Hội thảo khoa học: “Xây dựng thư viện số ngành Thanh tra”

Cập nhật: 14/06/2023 22:23

Ngày 14/6/2023, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học: “Xây dựng thư viện số ngành Thanh tra”. Đề tài do CN. Phạm Thị Thanh Minh, Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra làm chủ nhiệm.

Tại hội thảo, CN. Phạm Thị Thanh Minh cho biết, ở Việt Nam, hiện nay các thư viện đều đã có ứng dụng công nghệ vào hoạt động thư viện, tùy vào chức năng, nhiệm vụ, quy mô, định hướng phát triển của từng thư viện mà việc phát triển thư viện theo hướng hiện đại được thực hiện ở quy mô và mức độ khác nhau.

Thư viện Thanh tra Chính phủ là thư viện chuyên ngành, cũng không nằm ngoài xu thế phát triển chung đó. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện mới dừng lại ở mức độ nhất định trong tiến trình xây dựng thư viện số. Để phát triển thư viện số, thư viện cần có nguồn tài nguyên thông tin số, những yếu tố liên quan đến trang thiết bị, kỹ thuật, xử lý nghiệp vụ, vấn đề lưu trữ, khai thác dữ liệu… Đây là những vấn đề đặt ra trong việc xây dựng thư viện số ngành Thanh tra”. Xây dựng thư viện số ngành Thanh tra là việc xây dựng thư viện hoặc một bộ phận thư viện có nguồn tài nguyên thông tin chuyên ngành Thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và các tài liệu có liên quan, được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng thư viện truy cập, khai thác thông tin qua thiết bị điện tử và không gian mạng internet.

Đưa ra việc xây dựng thư viện số ngành Thanh tra là cần thiết, các thư viện trong cả nước nói chung, và các thư viện chuyên ngành nói riêng xây dựng và phát triển thư viện số theo cách riêng, tùy theo chức năng, nhiệm vụ, quy mô, định hướng phát triển, mức độ, tiêu chuẩn khác nhau… Điều đó tạo nên sự phát triển không đồng bộ và thiếu tính thống nhất trong việc phát triển thư viện số, thư viện hiện đại giữa các cơ quan, trung tâm thông tin  thư viện, cũng như thiếu tính liên kết, liên thông thư viện, trong đó có Thư viện Thanh tra Chính phủ.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào việc hiện đại hóa thư viện, xây dựng cơ sở dữ liệu, thư viện số ở các thư viện chuyên ngành cũng đã được nhiều thư viện áp dụng thực hiện, tuy nhiên, việc thực hiện chưa được triển khai đồng bộ và thiếu tính thống nhất, dẫn đến hiệu quả đạt được chưa cao.

Quyết định 206/QĐ-TT ngày 11/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” có đề ra mục tiêu 80% thư viện chuyên ngành có trang thông tin điện tử có khả năng cung cấp dịch vụ trực tuyến trên nhiều phương tiện truy cập; 70% tài liệu nội sinh, các công trình nghiên cứu khoa học do các thư viện chuyên ngành thu thập và quản lý được số hoá… Đây là căn cứ quan trọng cho các thư viện nói chung và thư viện Thanh tra nói riêng thực hiện Chương trình chuyển đổi số thư viện, bởi lẽ, để xây dựng thư viện số, yếu tố đầu tiên là phải xây dựng cơ sở dữ liệu số, trong đó có cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Quyết định 302/QĐ-TTCP ngày 11/8/2022 về việc thành lập mạng lưới chuyển đổi số của Thanh tra Chính phủ đã tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số về các lĩnh vực hoạt động của Ngành. Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi số thư viện Thanh tra Chính phủ chưa được đề cập cụ thể.

Thực tiễn thư viện Thanh tra Chính phủ chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu thư viện chuyên ngành mang tính hệ thống. Thư viện của Thanh tra Chính phủ mới xây dựng cơ sở dữ liệu thư mục phục vụ tra cứu, tìm kiếm tài liệu, mà chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu toàn văn chuyên ngành thanh tra phục vụ việc khai thác và sử dụng của người sử dụng. Trong khi đó, cơ sở dữ liệu toàn văn chuyên ngành mới là vấn đề cốt lõi của việc chuyển đổi số, xây dựng thư viện số ngành thanh tra. Thư viện của Thanh tra Chính phủ chưa đáp ứng được yêu cầu này.

Với mục đích là làm sáng tỏ cơ sở lý luận, thực tiễn để đề xuất các giải pháp, kiến nghị nhằm xây dựng thư viện số ngành Thanh tra, đề tài nghiên cứu 03 nội dung: (1) Một số vấn đề chung về xây dựng thư viện số; (2) Nhu cầu sử dụng thư viện số và khả năng xây dựng thư viện số ngành Thanh tra; (3) Giải pháp, kiến nghị xây dựng thư viện số ngành Thanh tra.

Góp ý tại hội thảo hoàn thiện đề cương nghiên cứu đề tài, các đại biểu cho rằng, đề cương được chuẩn bị chu đáo, đầy đủ đã nêu bật được tính cấp thiết khi nghiên cứu, nội dung nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu của đề tài khoa học cấp cơ sở. Đề tài cũng đã nêu được nhu cầu sử dụng thư viện số của cán bộ, công chức trong và ngoài ngành Thanh tra. Tuy nhiên, đề tài cần bổ sung một số nội dung sau: tại Chương 1, cần làm rõ thư viện là gì, khái niệm thư viện số, việc xây dựng thư viện số của ngành Thanh tra, phân tính ưu, nhược điểm của thư viện số; Chương 2 cần đánh giá thực trạng thư viện số hiện nay của ngành Thanh tra, sau đó, đánh giá đến nhu cầu sử dụng thư viện số; Chương 3, đề tài đã nêu được các giải pháp hoàn thiện quy định pháp luật về thư viện, các giải pháp bảo đảm cho việc xây dựng thư viện số ngành Thanh tra. Tuy nhiên cần sắp xếp lại các giải pháp cho logic hơn.

Kết thúc hội thảo, CN. Phạm Thị Thanh Minh phát biểu cảm ơn và tiếp thu toàn bộ các ý kiến của các đại biểu nhằm hoàn thiện nội dung nghiên cứu của đề tài.

theo Tin: Đậu Hiền
Ảnh: Hữu Thắng – Viện chiến lược và khoa học thanh tra

http://www.issi.gov.vn/hoi-thao-khoa-hoc-xay-dung-thu-vien-so-nganh-thanh-tra_t104c2710n3607tn.aspx

Tin liên quan