Trong đó, Điều 4 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2304/QĐ-BTP có quy định 04 nguyên tắc quản lý, vận hành, khai thác thông tin trên Cổng Pháp luật quốc gia.
Thứ nhất, Cổng Pháp luật quốc gia cần bảo đảm cung cấp thông tin pháp luật đầy đủ, chính xác, kịp thời; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong công tác pháp luật.
Thứ hai, việc quản lý, vận hành, khai thác Cổng Pháp luật quốc gia tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước và các quy định liên quan.
Thứ ba, thông tin do ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI pháp luật), thông tin do các doanh nghiệp được liên kết trên Cổng pháp luật quốc gia cung cấp chỉ có tính chất tham khảo.
Thứ tư, nghiêm cấm hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng thông tin, cố ý làm sai lệch, hủy hoại thông tin, phát tán thông tin sai sự thật hoặc thực hiện các hành vi gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình quản lý, vận hành, khai thác Cổng Pháp luật quốc gia.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ngoài ra, cũng theo Điều 5 Quy chế ban hành kèm theo Quyết định 2304/QĐ-BTP, 09 hợp phần của Cổng Pháp luật quốc gia gồm:
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật.
- Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật.
- Cổng Thông tin phổ biến, giáo dục pháp luật quốc gia; Trang Thông tin trợ giúp pháp lý, Trang Thông tin hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
- Mục giới thiệu văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trên Cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật của các doanh nghiệp được liên kết trên Cổng.
- Ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
- Giao diện Cổng Pháp luật quốc gia.
- Hệ thống quản lý định danh, xác thực điện tử của Cổng Pháp luật quốc gia thông qua VNeID.
- Hệ thống quản trị của Cổng Pháp luật quốc gia.
- Các hợp phần khác theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.